Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Tết Khmer_Chôl Chnam Thmây

Những ngày trung tuần tháng tư.
Nếu có dịp đến Trà Vinh, chắc hẵn không ai là không cảm thấy háo hức trước không khí nhộn nhịp sắm sửa của đông đảo đồng bào Khmer.
Đó chính là những ngày chuẩn bị để đón chào Lễ Tết Chôl Chnam Thmây.


Chôl Chnam Thmây còn được gọi là "Tết năm mới" hay "Lễ chịu tuổi".
Là một lễ hội truyền thống của người dân tộc Khmer ở đồng bằng Nam bộ.
Lễ hội được kéo dài 3 ngày trong tháng Chétt (lịch Khmer), đó là: 14, 15, 16 tháng 4 Dương lịch (năm nhuận thêm ngày 13-4 dương lịch). Tính theo âm lịch thì là 21, 22, 23 tháng 3 (năm nhuần thì có thêm ngày 20-3 âl).
Ngày xưa, nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Tết là "đắp núi cát" và "tắm Phật".

Với khoảng 1,3 triệu người Khmer sống tập trung nhiều nhất là ở Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên giang...thì người Khmer Nam bộ vẫn giữ nguyên tập tục của mình từ ngàn xưa để lại.
Sùng đạo và tôn kính đức Phật. Chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng.
Vì vậy tất cả các Lễ hội của người Khmer đều tập trung tại Chùa.
Trong ba ngày Tết, không khí tại các Chùa và các phum sóc Khmer gần như náo nhiệt suốt ngày đêm.

Tháng tư về...
Không gian thông thoáng. Khí trời mát mẻ, khô ráo và mùa màng thì cũng đã gặt hái, thu hoạch vừa xong.
Đây chính là thời điểm thuận lợi, thoải mái nhất để mọi người thong dong hưởng thụ những ngày lễ hội vui vẻ mà không phải vướng bận to toan.

Chôl Chnam Thmây được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống, diễn ra trong ba ngày:

- Đêm Giao thừa nhằm vào đêm 13 tháng 4, được cúng tại nhà để đưa tiễn "Têvađa cũ" và rước "Têvađa mới" về.
Đây cũng chính là đêm "lễ đi tu" (bôn bâm bous) của các chàng trai.
Người Khmer tin rằng mỗi năm sẽ có một vị Têvađa xuống trần để chăm lo cho đời sống của họ được an cư, lạc nghiệp.

- Ngày thứ nhấtChôl sangkran Chmây (ngày đầu năm mới)
Chọn giờ tốt nhất trong ngày, có thể là 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, cũng có khi là 12 giờ đêm (tùy theo năm).

Tất cả mọi người tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, trang trọng và lịch sự nhất, mang theo lễ vật, nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch "Maha Sangkran", đồng thời diễu hành ba vòng chung quanh chính điện để đón chào Chư Thiên (Têvađa). Dưới sự hướng dẫn nghi lễ của một vị Achar được tôn kính nhất trong chùa.
Tất cả cùng nhau cầu nguyện, mong năm mới Têvađa về để hộ trì cho mọi người luôn được ấm no, hạnh phúc. Sau đó là lễ Phật.

Tối đến các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như múa Dù kê, Rôbăm, Lâm thôn...được mọi người thưởng ngoạn và tham gia vui chơi rất náo nhiệt.

- Ngày thứ hai: Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày):
Mọi người lên chùa làm lễ dâng cơm sáng và trưa (Wen Chông Ham) cho các vị sư.
Theo phong tục của người Khmer, vào các ngày Lễ, Tết mọi người tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang cơm, thức ăn và các loại bánh trái đến cho các sư sãi.
Đáp lại các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống được ấm no, đầy đủ.
Sau khi làm lễ đưa thức ăn đến cho linh hồn những người đã khuất, các nhà sư làm lễ chúc phúc cho những người đã có lòng mang lễ vật đến cúng chùa.
Vào buổi chiều, người ta tổ chức Lễ đắp núi cát (Puôn Phnon Khsach) để cầu phúc duyên và tránh khỏi những kiếp nạn.

- Ngày thứ ba: Lơm săk
Còn gọi là ngày Lễ tắm Phật.
Vào ngày nầy, các phật tử Khmer mang thức ăn và hoa quả đến chùa từ tinh mơ để đâng cơm cho các vị sư.
Sau khi thọ thực xong, thì các nghi lễ tắm Phật chính thức bắt đầu
Trước tiên, các nhà sư dùng nước tinh khiết có ướp hương hoa thơm ngát. Họ dùng những cành hoa để vẫy những giọt nước hoa lên tượng Phật.
Trong làn khói hương nghi ngút, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Phật Trời gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khoẻ, ruông rẫy tốt tươi và trúng mùa.
Họ cũng cầu chư Thiên hộ trì cho phum, sóc an lành, mọi người tai qua nạn khỏi và đạt thành những điều ước nguyện.
Sau lễ tắm Phật, người Khmer còn làm lễ tắm cho các nhà sư cao niên trong chùa.
Kế đến là lễ Kha ma tôs, tương tự như lễ sám hối của người Việt. Sau đó mọi người theo các vị sư đến các tháp đựng hài cốt và các nghĩa trang để làm lễ Bâng Skâu (cầu siêu). Tất cả mọi người dưới sự hướng dẫn của vị Achar sẽ thành tâm cầu nguyện cho các vong linh những người thân của mình được siêu thoát.
Cuối cùng, sau nghi lễ tắm Phật tại nhà. Tất cả con cháu trong gia đình trải chiếu hoa, mời ông bà, cha mẹ ngồi vào đấy để nhận lời xin tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm mà họ đã vấp phải trong suốt năm qua, cũng như nhận ở họ lời hứa thành tâm sửa đổi. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, ước mong năm mới cả nhà sẽ luôn gặp được nhiều điều may mắn, vui vẻ, bình an và hạnh phúc, con cháu sẽ dùng nước hoa thơm tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ lòng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục.

Đến Trà Vinh vào dịp lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer Nam bộ. Chúng ta sẽ được tận hưởng một không khí náo nhiệt và đầy sinh động.
Những điệu "múa Miên" và tục "thả đèn trời" là những nét Văn hoá đặc sắc không thể nào thiếu trong Lễ hội nầy.
Những chiếc đèn lồng được thả lên cao, mang theo cả ước nguyện của người dân Khmer về một cuộc sống ấm no, an lành và hạnh phúc.

Đến Trà Vinh vào dịp Tết Năm mới, chúng ta cũng sẽ được thưởng thức rất nhiều loại bánh từ nếp như bánh ú, bánh tét, bánh chưng...
Ngoài ra còn có món đặc sản không thể thiếu trong các gia đình Khmer trong ba ngày "Lễ chịu tuổi": đó là món "Bún nước lèo".

Và nói đến Chôl Chnam Thmây.
Chúng ta không thể nào quên được một ấn tượng thật khó phai, khi nhìn thấy thái độ chân thành, sự kiên trì và cần mẫn đến lạ thường lúc những người Khmer chăm chú "đắp núi cát".

Tú_Yên

(13-03-2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét