Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Không gian xanh trên dòng Tiền giang



Sông Cửu Long, là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Việt Nam.
Bắt đầu từ Phnôm Pênh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền).
Cả hai đều chảy vào vùng châu thổ rộng lớn Nam Bộ Việt Nam (dài chừng 220-250 km mỗi sông).
Tại đây, sông Mê Kông còn được gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long.
Có lưu lượng rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s vào mùa mưa, và chuyên chở rất nhiều phù sa về bồi đắp cho đồng bằng Nam Bộ.

Sau khi ăn sáng, gia đình chúng tôi hồ hỡi bắt đầu cuộc hành trình về vùng đất đầy cây lành, trái ngọt: Cù lao Thới Sơn.
Xe chạy ngược lên hướng Vĩnh Long, cách Trà Vinh khoảng 10km là địa phận xã Bình Phú, xe rẽ phải để đi vào con đường quê râm mát với những khóm hoa Mua tim tím mọc đầy cả hai bên đường.


hmua
Hòa mình vào với khung cảnh đồng quê yên ả, trữ tình. Tôi thấy đầu óc như nhẹ thênh và mở hết lòng ra để tận hưởng làn không khí trong lành, mát rười rượi.
Khoảng hơn nửa tiếng thì chúng tôi đến bến phà Cổ Chiên.

Sông Cổ Chiên, bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long chảy theo hướng Tây-Bắc-Đông-Nam, đi qua Trà Vinh và Bến Tre, rồi đổ ra biển Đông qua hai cửa là Cung Hầu và Cổ Chiên.
Là một phân lưu của sông Cửu Long, Cổ Chiên dài khoảng 82km, làm thành ranh giới tự nhiên giữa Vĩnh Long – Bến Tre – Trà Vinh. Cửa Cổ Chiên nằm lệch về phía Bến Tre và cửa Cung Hầu lệch về phía Trà Vinh
Cửa chính của sông Cổ Chiên đổ ra biển, có độ sâu từ 5m đến 6m, ít bãi bồi, nên tàu bè ra vào tương đối thuận tiện. Trong khi đó cửa Cung Hầu (cửa phụ) do một bãi nông trên mực nước triều án ngữ ngay trước cửa, nên giao thông rất khó khăn.

Có thuyết cho rằng tên sông Cổ Chiên có liên quan đến một sự kiện lịch sử: Cuối thế kỷ XVIII, vào năm 1785, bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này thì bị thuyền của Tây Sơn đuổi theo truy sát. Quan quân của Nguyễn Ánh cuống quít, sợ hãi đã làm rơi cả trống và chiêng lệnh (theo từ Hán – Việt, Cổ là trống, Chinh là chiêng). Từ sự kiện này, nên nhân dân địa phương gọi là sông Cổ Chiên (do đọc trại từ “Cổ Chinh” mà ra).
Trên sông Cổ Chiên có nhiều cù lao và cồn: cù lao Nai, cồn Chen, cồn Dung, cồn Lớn (các cồn này thuộc về tỉnh Bến Tre).

Qua phà Cổ Chiên, chúng tôi vào địa phận tỉnh Bến Tre, khu thị tứ đông đúc với những cửa hàng, những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Để tranh thủ, chúng tôi không dừng lại mà đến thẳng bến phà Hàm Luông.

Sông Hàm Luông có tên gốc là Hàm Long (nhưng dưới chế độ phong kiến nhà Nguyễn, vì “kỵ huý”, nên tránh chữ Long, tượng trưng cho nhà Vua, người ta gọi chệch đi là Luông và lâu ngày thành quen).
Sông Hàm Luông nằm trọn vẹn trên đất Bến Tre, là phân lưu của sông Tiền, bắt đầu từ địa phận xã Tân Phú, Châu Thành. Sông có chiều dài khoảng 70 km, lòng sông sâu từ 12 – 15 m, rộng trung bình từ 1.200 đến 1.500 m, đoạn gần cửa biển rộng đến hơn 3.000 m. Là ranh giới tự nhiên giữa cù lao Bảo và cù lao Minh.
Sông chảy theo hướng Đông Nam, đi qua địa phận các huyện như Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, thị xã Bến Tre, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri rồi đổ ra biển Đông tại cửa Hàm Luông.
Trên sông có những cù lao hoặc cồn đất nổi tiếng như: cù lao Tiên Long, cù lao Thanh Tân, cù lao Lăng, cù lao Ốc, cù lao Lá, cù lao Đất, cồn Hố, cồn Lợi v.v…Hàm Luông có lưu lượng nước dồi dào, góp phần tạo nên sự trù phú cho các khu vườn sai oằn của tỉnh Bến Tre.
Cầu Hàm Luông cũng đã được thi công, chiều dài trên 1.277 mét (một kỷ lục mới ở Việt Nam về khẩu độ lớn của cầu có nhịp dầm hộp đúc hẫng), vị trí vượt sông cách phà Hàm Luông hiện tại khoảng 2300 mét về phía thượng lưu, dự tính sẽ hoàn tất vào cuối năm 2009.

Qua phà Hàm Luông, chúng tôi tiến đến một công trình rất nỗi tiếng vừa mới được khánh thành: Cầu Rạch Miễu

Rạch Miễu là một cây cầu dây văng, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Bờ Bắc thuộc phường 6, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.
Bờ Nam thuộc ấp 6A xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre (cách tỉnh lỵ Bến Tre 14km), bắc qua hai cù lao Thới Sơn và Tân Vinh (cồn Phụng) dài gần 3 km.

Cầu Rạch Miễu được khởi công ngày 30 tháng 4 năm 2002.
Cầu có chiều dài 8331 m (kể cả đường nối hai đầu cầu). Chiều rộng 12-15 m, có 2 làn xe ô tô và phần đường hai bên cho người đi bộ.


CRachMieu-1
Phần cầu chính gồm cầu số 1 và số 2 có tổng chiều dài 2.868 m, trong đó có một phần là kết cấu dây văng bố trí nhịp 117m + 270m + 117m, chiều cao tĩnh không thông thuyền 37,5m cho phép tàu 10.000 tấn có thể qua lại dễ dàng.
Ở giữa cầu là cù lao Thới Sơn.
Cầu số 2 dài 990m gồm các nhịp có chiều dài tới 90m để thông thuyền với chiều cao 7m là dầm bêtông cốt thép dự ứng lực, thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Các nhịp cầu dẫn là nhịp dầm bêtông cốt thép dự ứng lực, chiều dài mỗi nhịp 40m. Hai đoạn đường nối hai đầu có tổng chiều dài 5.463m và 2 cầu chính có tổng chiều dài 2.868m bắc qua 2 nhánh sông Tiền Giang và cồn Thới Sơn.
7giờ 30 sáng ngày 20 tháng 8 năm 2008, Bộ GTVT cùng hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã tổ chức lễ “hợp long” nối 2 nhịp dây văng chính của cầu Rạch Miễu, thông liền hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Cầu Rạch Miễu được khánh thành vào ngày 19 tháng 01 năm 2009, tải trọng 30 tấn, với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng, do liên danh CIENCO1 – CIENCO5 – CIENCO6 thi công. *

Qua khỏi cầu Rạch Miễu, là vào địa phận tỉnh Mỹ Tho, đi khoảng hơn 30 phút cặp dọc theo bờ sông mênh mông, để đến Công ty Du lịch Tiền Giang. Ở đây, chúng tôi hợp đồng đò để đi sang cù lao Thới Sơn.

Xuôi theo hướng biển Đông, chiếc đò xinh xắn có mái che với khoảng chục ghế ngồi được bắt ốc vít cẩn thận xuống sàn đò. Chúng tôi vừa chuyện trò, vừa thả tầm mắt để chiêm ngưỡng từng gợn sóng nhấp nhô, lao xao trên một mặt nước thênh thang đầy gió.
Hôm ấy, trời “hiền hòa” thì phải, nên những con sóng cũng trở nên khả ái, dịu dàng hơn. Trên dòng sông, những ngôi nhà sàn nuôi cá bè lặng yên, bình thản để ồn ã đợi chờ những chuyến bội thu.

Đò cặp bến, chúng tôi theo chiếc cầu đá nhỏ lên bờ, để chính thức đặt chân lên một trong bốn cù lao nổi tiếng nhất nằm trên sông Tiền: Long – Lân (thuộc Tiền Giang), Qui – Phụng (thuộc Bến Tre), biểu tượng cho sự an khang, thịnh vượng, sức mạnh trường tồn và vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên sông nước Nam Bộ.

Cù lao Thới Sơn chính là đảo Lân, rộng gần 1.400ha, nằm ở hạ lưu sông Tiền thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang.
Với hơn 6.000 cư dân sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, là một trong những địa chỉ du lịch sinh thái độc đáo và hấp dẫn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quanh năm cây trái trĩu quả.
Chính cầu Rạch Miễu đã góp phần tạo cho Thới Sơn một bộ mặt mới từ khi cầu được thông xe.

Hít một hơi làn không khí trong lành, chúng tôi tíu tít đi theo con đường đất, vòng vèo trong các khu vườn để tham quan nơi làm kẹo dừa.
Trong những ngôi nhà “chữ Đinh” tiêu biểu của vùng quê Nam bộ là những lò làm kẹo thủ công lúc nào cũng đỏ lửa.
Chúng tôi đã nhìn thấy những lò, những chảo và cả những chiếc kẹo, đặc sản của vùng đất Bến Tre được làm qua từng công đoạn và có dịp ăn liền những cục kẹo dừa còn nóng hổi ngay tại lò.
Tôi đưa mắt quan sát những người thợ ngào đường, cách họ đưa vào khuôn để rồi cắt ra thành những miếng kẹo hình chữ nhật xinh xắn. Bàn tay thoăn thoắt, điêu luyện gói từng viên kẹo vào trong lớp giấy kiến đã được in sẵn nhãn hiệu.


KeoduaBenTre







Rời lò kẹo, chúng tôi đi theo con đường đất có rải đá nhỏ để đến nơi dành riêng cho việc thưởng thức những trái cây ngọt ngon mới hái và nghe dàn “đàn ca tài tử” của những nghệ nhân “cây nhà lá vườn” mà cũng không kém phần chuyên nghiệp.

Trong khu nhà hình chữ nhật, với mái lợp lá, thông thoáng cả bốn bề, chúng tôi thong thả ngồi uống trà, nhâm nhi những múi mít, múi bưởi thơm ngọt, những trái chuối, miếng đu đủ miệt vườn tươi nguyên.


Traicay
Và lắng nghe giọng hát dễ thương của những bé gái xinh xắn trong chiếc áo bà ba đặc trưng, dân dã nhưng không hề kém phần duyên dáng.
Giọng hát trong trẻo cất lên cao vút giữa sự im lặng đến không ngờ của những du khách. Mọi người quay phim, chụp hình…bàn tay dịu dàng, các bé múa thật nhịp nhàng với điệu “Cò lả”, dập dồn với “cái trống cơm”…


dancataitu
Những điệu Lý, những bài vọng cổ đầy chất Nam Bộ đã đem đến cho mọi người, nhất là du khách nước ngoài, một sự giới thiệu rất tuyệt vời về nền Văn hoá truyền thống của Quê hương mà không cần tốn hao giấy mực và công phu quảng bá.

Đến nơi uống trà mật ong, chúng tôi được nhìn thấy cách nhà vườn đang lấy mật.
Những con ong bay vi vút trong chiếc mùng lưới như muốn tìm nơi thoát ra, cũng dễ khiến du khách ngán ngại vì theo lời chủ nuôi thì chúng rất hung tợn.
Tách trà nóng hổi được chế vào lưng nửa muổng café mật ong, cho ta cảm giác thơm tho của trà hòa quyện trong vị chua chua của mật – một hương vị khá đặc biệt – để nghe cô bé chủ vườn thao thao giới thiệu đặc tính và công dụng của những sản phẩm…từ ong: sữa Ong Chúa, phấn hoa tinh luyện…v..v…

Rời khu vực nuôi ong, hướng dẩn viên khu du lịch đưa chúng tôi đi theo con đường đất nhỏ để tới bến xuồng.
Một khung cảnh thật thơ mộng, xanh um cây cỏ.
Chiếc xuồng ba lá đã neo đậu sẵn, chúng tôi bắt đầu lênh đênh, du viễn theo con rạch ngoằn ngoèo giữa hai hàng dừa nước rậm rạp, những cây thủy liễu (bần) nghiêng mình như đón chào du khách đến tham quan.
Thật là thú vị với cái cảm giác khoan khoái, nhẹ tênh khi êm đềm lướt qua những khóm dừa nước như lúc nào ta cũng có thể vươn tay ra nắm lấy các cành lá như xòa xuống sát cạnh bên mình…

Dẫu sao thì cũng phải lên bờ chứ ? Đã hơn 12 giờ trưa, chắc phải kiếm gì ăn thôi !
Chúng tôi ghé vào ngôi nhà hàng, bốn bề trống trơn (có lẽ để thực khách có thể vừa ăn, vừa ngắm phong cảnh chung quanh chăng ?). Nhà hàng trông cũng khá sang so với vùng nông thôn: bàn ghế gỗ bóng loáng, sạch sẽ.
Vậy là chúng tôi đã có thể tự thưởng cho mình những hương vị đồng quê vùng sông nước: cá nướng, lẩu cá kèo, cá lóc hấp bầu, cá tai tượng chiên xù…(toàn món cá) ngon lành sau những giờ phút…lang thang.

Nhìn khung cảnh yên ắng, cây trái xum xuê và những con đường đất đầy cỏ…
Tôi chợt nghĩ đến “một đêm trăng”…
Một đêm sáng trăng…ngồi thẩn thơ trên chiếc xuồng ba lá…lơ đãng xuôi theo dòng lạch nhỏ để cảm nhận hết sự thơ mộng, nét diệu huyền của một làng quê yên bình đầy gió mát trăng thanh…với những người dân quê chân chất, hiền lành, an nhiên, bình dị.

Mộc mạc, chân quê…
Những nét đẹp muôn đời vẫn được giữ gìn trong cùng tận tâm hồn của người dân vùng đất Phương Nam phì nhiêu ruộng lúa và đầy ắp những cây lành, trái ngọt.

Tú_Yên

(08-06-2009)



* Bài viết có tham khảo và sử dụng các thông số kỹ thuật trên nguồn internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét