Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Dạ cổ hoài lang

Ngọt ngào điệu hát Đất Phương Nam

Nhắn ai đi về miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang
Mênh mông rừng tràm
Bạt ngàn dừa xanh

...

Có lẽ không ai khi nghĩ đến vùng đất Phương Nam lại không từng một lần nghe qua bài hát "Bài ca đất Phương Nam" với những tiết tấu âm nhạc sâu lắng của Lư Nhất Vũ và ca từ ngọt ngào đậm đà màu sắc quê hương của tác giả Lê Giang.

Và nói đến đất phương Nam, có lẽ ai ai cũng đều nghĩ đến một làn điệu rất đặc trưng của vùng đất cò bay thẳng cánh, ruộng lúa bạt ngàn: điệu "Vọng cổ" và những giàn "Đàn ca Tài tử".

Bạc Liêu: vùng đất sản sinh ra những con người đam mê âm nhạc truyền thống và cũng chính là nơi bắt nguồn cho một điệu hát rất dân gian : Dạ Cổ hoài lang.

Dạ Cổ hoài lang có nghĩa là "đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng". 
Nói về tâm trạng của một thiếu phụ có chồng đi chinh chiến phương xa (?). Nhưng thật ra đó chính là tâm sự của chính tác giả: Nghệ sĩ Cao Văn Lầu.

Cao Văn Lầu, thường gọi Sáu Lầu, sinh ngày 22 tháng 12 năm 1892, quê ở xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Là nhạc sĩ và là tác giả bài "Dạ cổ hoài lang" - một bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất trong nghệ thuật cải lương Việt Nam.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Cuộc đời ông đã trải qua lắm nỗi thăng trầm, lao đao, vất vả .
Năm lên bốn tuổi, ông theo cha đi lập nghiệp phương khác, dừng chân tại bạc Liêu và định cư luôn tại đây.
Năm 15 tuổi (1907), Cao Văn Lầu phải thay cha và anh chị đi làm những việc nặng nhọc để nuôi gia đình.
Lúc bấy giờ tại xóm Rạch Ông Bổn có một thầy đàn nổi tiếng tên Lê Tài Khí, tục gọi Hai Khị hay Nhạc Khị.
Dù bị mù cả hai mắt và có tật ở chân, nhưng ngón đàn của ông thật điêu luyện.

Năm 1908, Cao Văn Lầu nhờ cha dẫn đến thầy Hai Khị để xin học đàn.
Nhờ yêu thích và siêng năng, ông mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ, và trở thành một nhạc sĩ nồng cốt trong ban cổ nhạc của thầy.

Năm 21 tuổi (1913), Cao Văn Lầu vâng lệnh cha mẹ đi cưới vợ. Và có lẽ chính những trắc trở trong hôn nhân đã là động cơ, khiến ông sáng tác nên một ca khúc bất hủ cho làng sân khấu miền Nam.
Đó là một khúc gồm 22 câu (1917), theo chủ đề do thầy Nhạc Khị đề xướng là "Chinh phụ vọng chinh phu". Nhưng ông Sáu Lầu chưa kịp sửa chữa và trình thầy thì gặp nghịch cảnh đau lòng - vợ chồng ly tán.

Năm 1918, trong tâm trạng nhớ thương vợ, bản nhạc trên được đem ra soạn lại, với sự góp ý của bạn đồng môn, ông bỏ bớt 2 câu trùng lắp và bài nhạc còn chẵn 20 câu nhịp đôi.
Tết Trung Thu năm 1918 (15 tháng 8 âm lịch năm Mậu Ngọ, nhằm ngày 19 tháng 9 năm 1918), ông cùng các bạn đến thăm thầy và nhờ đặt tên cho bài nhạc.

Thời điểm Dạ cổ hoài lang ra đời, ngoài những chi tiết khá khác nhau qua các lời kể lại, còn có nhiều ý kiến chưa tương đồng, kể cả ông Cao Kiến Thiết và Cao Văn Bỉnh, là hai người con của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng chưa xác định được. Nhưng đa số nghệ sĩ Bạc Liêu thì cho rằng bài Dạ cổ hoài lang ra đời ngày 15 tháng 8 (âm lịch) năm Mậu Ngọ (nhằm ngày 19 tháng 9 năm 1918), tức là vào đúng đêm rằm Trung Thu trên.

Ca từ Dạ cổ hoài lang

Từ là từ phu tướng,
Bảo kiếm sắc phong lên đàng.
Vào ra luống trông tin chàng.
Năm canh mơ màng.
Em luống trông tin chàng,
Ôi gan vàng quặn đau.
Đường dù xa ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm luống trông tin chàng,
Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu.
Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
Sao nỡ phũ phàng...
Chàng là chàng có hay?
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Bao thuở đó đây sum vầy,
Duyên sắc cầm lạt phai.
Là nguyện cho chàng
Hai chữ an bình an.
Mau trở lại gia đàng,
Cho én nhạn hiệp đôi.

* Ký âm cổ nhạc (theo loại đàn dây Bắc)
Hò lìu xang xê cống
Líu cống líu cống xê xang
Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò
Liu xế xang xự xề xang lìu hò
Xừ liu xáng ũ liu cống xề
Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
Hò lìu xang xang xế cống
Xê xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xế, líu xê xang xư’'
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ, xê líu xừ, líu cống xê, líu hò
Liu xề xang xự cống xê xang lìu hò
Xừ xang xừ cống xế
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xề hò líu cống xế xang hò
Lưu xáng xàng, xề liu xề xáng ú liu
Hò xự cống xê xang hò
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xế, hò líu cống xê xang hò
Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu


Theo thông tin chính xác từ nhiều nguồn khác nhau, thì Cao văn Lầu không phải là "Ông tổ" của Cải lương, vì bản Dạ cổ hoài lang chào đời năm 1918, trong khi sân khấu cải lương ra đời khoảng năm 1916.
Trên những chặng đường phát triển, bản Dạ cổ hoài lang của Nhạc sĩ Cao văn Lầu, khởi đầu từ nhịp hai, được chuyển dần thành nhiều nhịp.
Năm 1924, tăng lên nhịp bốn.
Từ khoảng 1934 đến 1944, tăng lên nhịp tám và có tên mới là Vọng cổ.
Từ khoảng 1944 đến 1954, Vọng cổ tăng lên nhịp 16.
Từ 1955 đến 1964, tăng lên nhịp 32
Rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.
Như vậy bản Vọng cổ là thuộc công trình chung của tài tử bốn phương.

Bản Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở nguyên dạng như các bản nhạc cổ khác, mà dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản Vọng cổ, làm thay đổi một phần lớn bộ mặt Cải lương. Đây cũng là điều tối ưu, có lẽ do tiếng nhạc du dương, lời ca bình dị rất hợp với người Nam Bộ.
Hình ảnh người chinh phụ ở đây đã hòa nhập thực sự vào cuộc sống đời thường, phản ảnh đúng tâm trạng yếu đuối của người phụ nữ, nhất là trong những hoàn cảnh bắt buộc phải chiụ cảnh chia lìa.
Có lẽ chính cái "tính thường" này đã tạo nên sự rung cảm thực sự cho những người thưởng thức. 


Chờ trăng lên cất tiếng gọi nhau
Đờn khảy tang tình đượm thắm hồn ai
Biển xôn xao gió lộng tứ bề
Thuyền ai xuôi phương Nam khoan nhặt trôi lững lờ
Đã trải qua bao mùa mưa nắng, qua bao cuộc đổi thay
Mãi dâng cho đời, bài tình ca đất phương Nam
...


Tú_Yên
(26-06-2009)


* Bài viết có tham khảo tư liệu trên nguồn Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét